Nếu có dịp thả bộ qua những tuyến đường Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Đồng Khởi, Bùi Viện sạch sẽ, bạn hãy thầm cảm ơn những người quét rác và hãy ý thức bỏ rác vào đúng chỗ của nó.

🌟 Chị Phạm Ngọc Hiếu hiện đang đảm trách công việc vệ sinh khu vực phố đi bộ Bùi Viện. Hồi còn nhỏ, ngoài giờ đi học, Hiếu theo mẹ (công nhân vệ sinh) ra đường mỗi khi mẹ vào ca. Mẹ quét, con gái lẽo đẽo theo sau phụ mẹ hốt rác, như mẹ đã từng phụ bà ngoại trước đó. Và khi lớn lên, Hiếu lại chọn làm công nhân vệ sinh như ngoại và mẹ. Năm 2007, Hiếu được nhận vào làm công nhân Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 1, TPHCM.

Zalo
Chị Phạm Ngọc Hiếu với công việc hằng ngày

Đến một ngày, sau khi nảy sinh lòng cảm mến cô công nhân vệ sinh, anh nhân viên quán ăn Minh Đức trên đường Tôn Thất Tùng đã ngỏ lời yêu thương. 1 năm sau, họ thành đôi, rồi chồng xin về làm chung công ty với vợ. Ngày đầu ra mắt nhà chồng, chị Hiếu mặc cảm, nhưng cả gia đình chồng lại đón nhận với sự yên tâm, hãnh diện. Có lẽ vì thế mà đến thế hệ thứ tư – con gái chị – đang học lớp Tám cũng chẳng tự ti với bạn bè về công việc của ba mẹ. “Có lần, giờ họp phụ huynh sát với giờ vào ca, tôi định thay đồ bảo hộ thì cháu nói “mẹ cứ mặc đồ đi làm đi họp. Thầy cô giáo, bạn bè con đều biết ba mẹ làm nghề quét rác, đó là công việc tốt mà mẹ”. Lời con khiến tôi như trút cả gánh nặng, thương con, tự hào về con và cả công việc của mình” – chị Hiếu bộc bạch.

Công việc của chị bắt đầu từ 2g chiều và kết thúc vào lúc 2g sáng. Bùi Viện là khu phố chủ yếu hoạt động về đêm, tập hợp phần lớn du khách nước ngoài và giới trẻ với các sinh hoạt vui chơi, ăn uống náo nhiệt, nên giờ làm việc của công nhân vệ sinh cũng kéo dài theo nhịp sống ấy. Vào những dịp vui chơi cao điểm như tết Tây, Giáng sinh, lễ hội Halloween… họ phải dọn dẹp cả núi rác, công việc kéo dài đến 5g sáng mới hoàn tất.

💓 Sau khi lấy chồng, cô giáo mầm non Danh Thị Xà Pha đã theo nghề của chồng. Những ngày đầu đi quét rác, cô giáo mầm non rất bỡ ngỡ. Nhưng với bản tính siêng năng, cô giáo đã học việc rất nhanh và chẳng mấy chốc thành thạo. Thời gian làm việc của chị bắt đầu từ 3g chiều đến 3 rưỡi sáng trên phố đi bộ Nguyễn Huệ. Tuyến đường này tập trung nhiều hoạt động vui chơi về đêm nên lượng rác thải cũng khá nhiều. Những ngày lễ hội, công nhân phải làm việc đến 6g sáng. “Cực dữ lắm, nhưng cũng vui. Hồi dịch COVID-19, công ty vẫn trả lương đầy đủ, riêng bộ phận công nhân còn được hỗ trợ thêm 1 tháng lương. Như vậy là may mắn hơn nhiều người” – chị Xà Pha chia sẻ.

Zalo
Danh Thị Xà Pha và chồng Cao Phượng Tường luôn song hành để dọn dẹp vệ sinh đường phố

🍀 Chị Huỳnh Ngọc Thủy – nhân viên cắt tỉa, chăm sóc cây xanh (đội công viên cây xanh), Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 1, cho biết, có khi đang lui cui nhổ cỏ thì hứng trọn bịch cà phê hay hủ tíu thừa vào lưng. Đó là chưa kể nhiều lúc các chị phải tiếp xúc với kim tiêm, quần áo của những người nghiện.

Zalo
Chị Huỳnh Ngọc Thủy tỉ mẩn làm đẹp cho đời

🔥 Gắn bó với nghề đã 31 năm, hiện nay chị Lê Thị Nga đang là Tổ trưởng tổ vệ sinh 5. Chị kể, năm 22 tuổi, chị bắt đầu với công việc quét rác. Sau đó được đưa lên làm tổ phó, rồi tổ trưởng suốt 21 năm qua. Ngoài sự nhọc nhằn, công nhân vệ sinh cũng đối mặt nhiều nguy hiểm. Vào tháng 9/2021, trong lúc đang làm việc tại một vị trí khá an toàn trên đường Lương Hữu Khánh, chị Phạm Ngọc Hiếu cũng bị một chiếc xe máy lao thẳng vào, khiến phải nằm viện suốt 2 tháng. Là người tận tụy, gắn bó với nghề nên khi sức khỏe cho phép chị Hiếu lại ra đường phụ giúp đồng nghiệp.

Công nhân vệ sinh đường phố là nghề truyền thống của rất nhiều gia đình và họ luôn mang ơn nghề nghiệp, bởi nó đã nuôi sống gia đình họ qua nhiều đời. Nhưng trên hết, đối với họ đó là công việc đáng tự hào.

Chị Lê Thị Nga nói, mùa nào thì thành phố cũng cần phải sạch đẹp để người dân và du khách thấy hài lòng. Thành phố có văn minh, sạch đẹp thì mới níu chân được du khách. Chúng tôi muốn được góp một phần công việc nhỏ bé của mình vào sự phát triển thành phố.

👉Trích nguồn từ Báo Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh👈